Di tích Quốc gia Văn miếu Trấn Biên kính chào quý khách.

Tham quan trực tuyến Di tích lịch sử quốc gia Văn miếu Trấn Biên  
 

 Nội dung tin tức

 
Văn miếu Trấn Biên – hành trình 300 mùa Xuân
Posted: 10-04-2018 04:23
Bước vào Xuân Ất Mùi 2015 năm nay, Văn miếu Trấn Biên vừa tròn 300 tuổi. So với Văn miếu Quốc tử giám - biểu tượng của văn hóa Thăng Long với tuổi đời gần ngàn năm (xây dựng năm 1070) thì Văn miếu Trấn Biên hãy còn “trẻ trung”, nhưng so với cột mốc hình thành và phát triển của xứ Đồng Nai kể từ khi mở cõi, đó là một chặng đường khá dài bởi văn miếu được hình thành gần như cùng lúc với vùng đất phương Nam này.

 

Toàn cảnh Văn miếu Trấn Biên. Ảnh: Trần Đình Thành

     
     Theo Gia Định thành thông chí – quyển địa chí đầu tiên của Nam bộ, năm 1698 Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu vào kinh lược phương Nam “lấy đất Nông Nại đặt làm Gia Định phủ, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lấy đất Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn” để xác định chủ quyền và ổn định vùng đất phía Nam Tổ quốc. Nhờ các chính sách hợp lý, vùng đất Trấn Biên từ đó phát triển rực rỡ về kinh tế, trên nền tảng đó, chỉ 17 năm sau khi xác định chủ quyền trên vùng đất mới, chúa Nguyễn Phúc Chu đã cho xây dựng Văn miếu Trấn Biên vào năm Ất Mùi 1715. Có lẽ lúc đó chúa Minh (người dân Đàng Trong tôn gọi chúa Nguyễn Phúc Chu là chúa Minh) đã nhận ra tiềm năng phát triển của vùng đất năng động về kinh tế này, vì thế cần phải được xây dựng các thiết chế để tôn vinh văn hóa – giáo dục, trong đó đỉnh cao là Văn miếu Trấn Biên. Điều này cho thấy tầm phát triển về các mặt kinh tế - văn hóa của xứ sở này từ cách đây 300 năm. Vậy nên, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, thậm chí bị phá hủy vào năm 1861, cơ sở vật chất không còn nhưng hình bóng của Văn miếu Trấn Biên vẫn không thể phai mờ trong tâm tưởng người dân xứ Đồng Nai.


     Đó là lý do chỉ 23 năm sau ngày đất nước thống nhất, hòa bình được lập lại ở miền Nam, dù còn bộn bề khó khăn nhưng lãnh đạo và nhân dân Biên Hòa - Đồng Nai đã cùng nhau đồng tâm hiệp lực xây dựng lại Văn miếu Trấn Biên. Qua đó, tư tưởng phải khai phóng về văn hóa – giáo dục song song với phát triển kinh tế đã được thống nhất và tiếp nối từ giai đoạn mở cõi đến hôm nay. Đó cũng là ý nghĩa chặng đường 300 năm của Văn miếu Trấn Biên.Theo Gia Định thành thông chí – quyển địa chí đầu tiên của Nam bộ, năm 1698 Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu vào kinh lược phương Nam “lấy đất Nông Nại đặt làm Gia Định phủ, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lấy đất Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn” để xác định chủ quyền và ổn định vùng đất phía Nam Tổ quốc. Nhờ các chính sách hợp lý, vùng đất Trấn Biên từ đó phát triển rực rỡ về kinh tế, trên nền tảng đó, chỉ 17 năm sau khi xác định chủ quyền trên vùng đất mới, chúa Nguyễn Phúc Chu đã cho xây dựng Văn miếu Trấn Biên vào năm Ất Mùi 1715. Có lẽ lúc đó chúa Minh (người dân Đàng Trong tôn gọi chúa Nguyễn Phúc Chu là chúa Minh) đã nhận ra tiềm năng phát triển của vùng đất năng động về kinh tế này, vì thế cần phải được xây dựng các thiết chế để tôn vinh văn hóa – giáo dục, trong đó đỉnh cao là Văn miếu Trấn Biên. Điều này cho thấy tầm phát triển về các mặt kinh tế - văn hóa của xứ sở này từ cách đây 300 năm. Vậy nên, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, thậm chí bị phá hủy vào năm 1861, cơ sở vật chất không còn nhưng hình bóng của Văn miếu Trấn Biên vẫn không thể phai mờ trong tâm tưởng người dân xứ Đồng Nai.

   
    Vấn đề đặt ra lúc bấy giờ, là phục dựng Văn miếu Trấn Biên để tôn vinh giá trị nào? Xưa kia, văn miếu chỉ thờ Khổng tử, bậc khai sáng nền Nho học và Nho giáo để thể hiện tinh thần trọng học. Đến nay, tinh thần trọng học vẫn còn đó nhưng đã “sang trang mới”, đó là tinh thần này được nhìn ngắm với tư tưởng Hồ Chí Minh và thời đại Hồ Chí Minh, trong đó có các giá trị của Khổng tử. Vì thế, Văn miếu Trấn Biên chọn lựa thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là nhà khai sáng văn hóa thời đại Hồ Chí Minh, vẫn trọng Nho học nhưng mang đậm dấu ấn của Việt Nam cùng các kết tinh của dòng mạch văn hóa phương Nam. Nên mới có việc phía bên phải trong Nhà Đại Bái thờ các vị tiền hiền về văn hóa, như: Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Lê Quý Đôn; phía bên trái thờ các nhà văn hóa của phương Nam kết tinh qua các thời đại, như: Võ Trường Toản, Đặng Đức Thuật, Trịnh Hoài Đức, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Đình Chiểu…
 

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải dự lễ khánh thành Văn miếu Trấn Biên. (Ảnh Hữu Cường)

     Văn miếu Trấn Biên tiếp thu tinh thần của Khổng tử - nhà văn hóa lớn của phương Đông dưới góc nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phía sau tượng phù điêu của Khổng tử (trước đây) là chữ Văn, với ý nghĩa là văn hóa; hai bên là lời dạy của ông với tư cách “bậc thầy của muôn đời” (Vạn thế sư biểu): Bất học bất tri lý/ Học nhi thời tập chi (Không học thì không biết đạo lý/ học phải năng thực hành theo cái đã học được). Có thể, quyết định này có thể gây xúc cảm cho một số người, nhất là những người có xu hướng nệ cổ, trọng cổ. Nhưng rõ ràng về tổng thể, Văn miếu Trấn Biên thể hiện mục tiêu rất rõ nét, phù hợp với xã hội phát triển hiện đại. Văn miếu Trấn Biên cũng lưu giữ không chỉ tinh thần trọng học chữ, mà cả học nghề. Các nhà Thư khố, Văn vật khố được xây dựng dùng để trưng bày và gìn giữ các sản phẩm văn hóa, tôn vinh giá trị các nghề nghiệp ở Đồng Nai xưa và nay, như: gốm, đá, các nghề thủ công mỹ nghệ…

     
     Cùng với các thiết chế thờ cúng, chức năng của Văn miếu Trấn Biên hiện nay còn là nơi hoạt động tôn vinh nhân tài, điển hình tiên tiến của địa phương, như: các trí thức tiêu biểu, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú; học sinh giỏi cấp quốc gia, đoạt các giải thưởng trong nước, khu vực và quốc tế; tấm gương học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh…


     Đến nay, Văn miếu Trấn Biên đã hoàn thành giai đoạn 1, đang bước vào giai đoạn 2 “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Tượng phù điêu Khổng tử được nâng cấp thành tượng đá bề thế. Tượng Lý Thái Tổ cũng vừa hoàn thành theo đúng kế hoạch với tầm vóc tương xứng. Trước đó, tượng phù điêu Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ cũng đặt ở khu vực phù hợp, sẽ là khởi đầu cho khu vườn tượng nghệ thuật bên cạnh vườn tượng danh nhân. Văn miếu Trấn Trấn Biên cũng được quan tâm chỉnh trang, thường xuyên đổi mới, từ diện tích 2 hécta ban đầu đã được mở rộng ra một vùng không gian rộng lớn, ngày càng trở thành địa chỉ của các hoạt động văn hóa, khoa học, nghệ thuật.

Lễ hội Sao Vàng Đồng Nai tại Văn miếu Trấn Biên. (Ảnh: Hữu Cường)


     Năm 2015, Văn miếu Trấn Biên kỷ niệm 300 năm hình thành. Anh hùng lao động, GS. Vũ Khiêu từng nói “Văn hóa phải được vun đắp dần, không phải cứ nhiều tiền là làm được”. Văn miếu Trấn Biên đã và đang được vun đắp theo hướng kết tinh và lan tỏa. Đó là kết tinh sự đóng góp và tinh thần trách nhiệm, lan tỏa trong nhiều người, nhiều giới thông qua các hoạt động tại văn miếu. Hơn 40 đình tại TP.Biên Hòa đã chọn nơi đây thành hạt nhân đoàn kết, điểm đấu nối chung, hàng năm tập hợp lại để tổ chức tế lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các doanh nghiệp cũng thể hiện tấm lòng hướng về văn miếu thông qua việc cùng nhau đóng góp đúc chuông dùng cho việc tế lễ. Học sinh, sinh viên trong tỉnh thông qua phong trào kế hoạch nhỏ đóng góp xây dựng vườn tượng danh nhân trong văn miếu không chỉ là về vật chất, mà còn thể hiện sự đóng góp về công sức và trách nhiệm, sẽ được nhân rộng và nối dài cho mai sau. Bức tranh thêu “Trời Nam – nguyên khí Trấn Biên” của XQ sử quán được thực hiện ngay sau bức tranh “Ước nguyện ngàn năm Thăng Long”, hiện được trưng bày tại văn miếu cho thấy sự tiếp nối liền mạch từ văn hóa Thăng Long đến văn hóa Đồng Nai. 300 cây đa chiết từ Văn miếu Trấn Biên đang được chuyển trồng dần tại các trường học trong tỉnh. Sự kết nối, lan tỏa ấy đã đến với các cộng đồng trong xã hội.


     300 tuổi, từ một thiết chế thiên về thờ phụng, Văn miếu Trấn Biên đã trở thành thiết chế văn hóa thiêng liêng mà vẫn thân thiện, gần gũi với mọi người, trở thành điểm sinh hoạt chung. Từ đó, có cơ sở để tin rằng sau 300 năm Văn miếu Trấn Biên vẫn sẽ trường tồn cùng với các thế hệ con người của xứ Đồng Nai, luôn là hạt nhân được vun đắp, luôn luôn được tỏa sáng.
 

PGS.TSKH Huỳnh Văn Tới
(Theo http://www.baodongnai.com.vn)

 
Các bài viết khác
In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
RadDatePicker
RadDatePicker
Open the calendar popup.
 

HÌNH LIÊN KẾT


Hội quán Trấn Biên - Nơi lý tưởng tổ chức hội nghị, sự kiện, tiệc cưới.
Hotline: 0859 94 95 96